Ông tổ nghề thêu Việt Nam

Danh nhân Lê Công Hành (1606 – 1662) quê ở Thường Tín, Hà Nội ngày nay. Ông nổi tiếng ham học từ nhỏ, từng thi đỗ tiến sĩ dưới thời Hậu Lê. Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng nhiều chức vụ. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính, từng được cử đi sứ nhà Minh.

Không chỉ giỏi kinh bang tế thế, Lê Công Hành còn được người Việt nhớ tới với tư cách là ông tổ của nghề thêu khi có công mang nghề này về với nước Việt.

Theo sử sách ghi chép lại, trong chuyến đi sứ sang nhà Minh năm 1646, Lê Công Hành đã học được kỹ thuật thêu ở đây. Trở về nước, ông đem bí quyết ra dạy cho dân làng Quất Động quê ông. Về sau, nghề thêu phát triển ra nhiều làng bên cạnh, nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã suy tôn Lê Công Hành làm ông tổ nghề này.

Không chỉ dạy dân kỹ thuật thêu, Lê Công Hành còn có công chỉ dẫn nhân dân ta cách làm nghề đan lọng. Về sau, nhân dân phố Hàng Lọng tại kinh thành Thăng Long cũng lập đền thờ ông.

Nguồn: Sưu tầm