ÔNG TỔ NGHỀ DỆT CHIẾU VIỆT NAM

Phạm Đôn Lễ (1457 – 1531), quê gốc Tứ Kỳ, Hải Dương, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thông minh, học giỏi từ nhỏ, ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi (Hương, Hội, Đình) dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Trạng chiếu Phạm Đôn Lễ. Ảnh minh họa: IT.

Làm quan dưới triều vị vua anh minh bậc nhất sử Việt, giỏi cả văn thơ, kinh tế, chính trị nên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ rất được triều đình trọng dụng, uy tín cao, thăng dần đến Tả thị lang, Thượng thư, được cử đi sứ nhà Minh.

Khi qua vùng Quế Lâm (Trung Quốc), tình cờ thấy kỹ thuật dệt chiếu bằng ngựa đỡ của người dân nơi đây tạo ra được những tấm chiếu đẹp, bền hơn so với cách dệt của người Nam, Phạm Đôn Lễ đã dừng bước tìm hiểu, học nghề, mua bàn dệt mang về.

Về nước, ông đưa kỹ thuật dệt chiếu này truyền lại cho nhân dân trong vùng. Kỹ thuật mới này giúp sợi đay được căng trên ngựa đỡ, thuận lợi cho người trao chiếu (tức trao cói), đẩy nhanh được tốc độ dệt chiếu.

Chính nhờ cải cách này, nghề dệt chiếu thủ công ở vùng ven biển miền Bắc phát triển. Hải Triều quê ông thành làng dệt chiếu nổi tiếng. Cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Nhớ ơn ông, người dân yêu mến gọi ông là Trạng chiếu, hậu thế suy tôn ông làm ông tổ của nghề dệt chiếu nước ta.

 

Nguồn: Sưu tầm