Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) sinh ra ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh thời, ông là đại thần nổi danh triều Nguyễn, nổi tiếng với những tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước. Đồng thời, cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật đóng tàu theo kiểu phương Tây du nhập vào Việt Nam. Trong đó, với nghề nhiếp ảnh, người Việt đã suy tôn ông làm tổ nghề.
Sinh ra trong dòng họ khoa bảng, nhiều đời làm đại thần triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ sớm trở thành nhà Nho uyên bác, được triều đình nể trọng. Dưới thời vua Tự Đức, ông từng được cử đi sứ ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm (Thái Lan ngày nay).
Đặc biệt, trong chuyến đi sứ năm 1865, tới Hương Cảng (Hồng Kông), Đặng Huy Trứ được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh của người Anh tại đây. Bị hấp dẫn bởi kỹ thuật mới này, ông đã chụp 2 tấm ảnh chân dung, đồng thời vẽ lại 2 tấm ảnh này theo kỹ thuật vẽ thời bấy giờ để so sánh.
Hai năm sau, trong một lần đi Quảng Châu (Trung Quốc), ông đã nhờ một người nhà Thanh tên Dương Khải Trí chọn mua hộ một bộ đồ nghề chụp ảnh.
Trở về nước sau khi đã học hỏi được kỹ thuật chụp ảnh chân dung, lại sắm được “đồ nghề”, ông đã mạnh dạn mở hiệu ảnh đầu tiên ở nước ta tại kinh thành Thăng Long, lấy tên là Cảm Hiếu đường (hiệu ảnh đặt tại khu phục phố Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng ngày nay) vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1869).
Nghề nhiếp ảnh của người Việt chính thức ra đời từ đây, còn cụ Đặng Huy Trứ với những đóng góp to lớn của mình đã được suy tôn làm ông tổ của nghề nhiếp ảnh ở nước ta.