Lương Như Hộc (có sách ghi Lương Nhữ Hộc), quê ở Hải Dương ngày nay. Năm Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông (1442), ông thi đỗ thám hoa, làm quan đến chức Đô ngự sử. Do có tài kinh bang tế thế và năng lực ngoại giao, ông được vua Lê tin cậy, 2 lần cử ông đi sứ nhà Minh vào các năm 1443 và 1459.
Từ những chuyến đi sứ này, ông đã học được kỹ thuật in của người phương Bắc. Trở về nước, ông truyền lại cho những người học trò của mình, rồi lan rộng trong vùng. Nhờ công của Lương Như Hộc, nghề in khắc bản gỗ tại Liễu Tràng, Hồng Lục ngày càng phát triển mạnh, nơi đây trở thành địa phương in ấn lớn nhất Đại Việt lúc bấy giờ.
Sau khi qua đời, để ghi nhớ công ơn, nhân dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm thành hoàng, coi là tổ nghề của họ và cho tạc tượng thờ tại đình làng. Trong số những cuốn sách nổi tiếng của nước ta, bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên từng được các nghệ nhân làng Liễu Tràng khắc in thành công năm 1697.
Nguồn: Sưu tầm