Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm

Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm.

(Ảnh: Sưu tầm)

Ngay từ khi mới sáng lập Thiền phái Trúc Lâm (cuối thế kỷ 13), Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã cho biên tập, san khắc, ấn hành một số kinh, sách, trước tác quan trọng để phổ biến giáo lý, tư tưởng hành đạo của nhà Phật nói chung và các vị cao tăng Phật phái Trúc Lâm nói riêng. Tuy nhiên, do chính sách hoại thư của giặc, những cuộc nội chiến tương tàn cùng khí hậu khắc nghiệt đã khiến cho phần lớn mộc bản bị hủy hoại, thất tán.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chùa Vĩnh Nghiêm được chọn là một trong những trung tâm đào tạo của giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi cất giữ hồ sơ của tăng ni toàn quốc; đồng thời là trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam. Bộ mộc bản được san khắc tại chùa vào thời kỳ này bao gồm 3.050 bản ván khắc lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284 – 1330), thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254 – 1334) và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký…). Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm có một số mộc bản in sớ, điệp, là loại văn bản chỉ có trong Phật phái Trúc Lâm (các tông phái ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đều không có). Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ một số mộc thư ghi lại cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng.  

(Ảnh: Sưu tầm)

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chế tác bởi những người thợ thủ công lành nghề thuộc các phường thợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Liễu Tràng (Hải Dương) – một làng chuyên làm nghề khắc mộc bản từ lâu đời. Các mộc bản đều được làm từ gỗ cây thị, khắc bằng chữ Hán cổ và Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn. Chữ được khắc ngược trên hai mặt của mỗi ván gỗ (số ít khắc một mặt) với độ sâu từ 1 – 1,5mm. Kỹ thuật khắc chữ và hình ảnh trang trí trên mỗi tấm ván được thực hiện đúng theo qui chuẩn in của Việt Nam. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc và địa điểm lưu trữ.

 

(Ảnh: Sưu tầm)

Kích thước các mộc bản không đều nhau, tùy theo từng bộ kinh, sách. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 100cm, rộng 40 – 50cm; bản nhỏ nhất chỉ khoảng 20 x 15cm.

(Ảnh: Sưu tầm)

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Phật phái Trúc Lâm, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Đây còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, mang tính độc bản, nguyên gốc, chưa bị sửa chữa hay tác động làm biến dạng. Qua kho mộc bản này, người xem có thể khai thác thông tin phong phú ở nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, y học, mỹ thuật…

Ngày 16/05/2012, tại hội nghị của Ủy ban UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên ba tiêu chí là: tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí, vai trò trong khu vực.

Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch – Tổng cục Du lịch